Tất cả câu hỏi liên quan bệnh suy tĩnh mạch
Chào bác sĩ, mẹ em đang bị giãn tĩnh mạch chi dưới. Hiện chân của mẹ em căng phồng lên giống như bị phù thủng, cảm thấy nhức chân. Khi đi khám bác sĩ có khuyên là nên phẫu thuật. Vậy phẫu thuật này có những biến chứng gì không hay có trường hợp xấu nào xảy ra không. Khi phẫu thuật xong vẫn đi lại bình thường được không, và chi phí phẫu thuật này là bao nhiêu (mục phẫu thuật này có nằm trong bảo hiểm y tế không). Mong bác sĩ trả lời giúp em. Em xin chân thành cảm ơn bác sĩ!
Ngày: 18-07-2013

Chào bạn,

 

Có thể mẹ của bạn bị suy tĩnh mạch độ 3 theo phân độ về lâm sàng, có nghĩa là có phù chân. Bạn nên đưa mẹ bạn đến khám và làm siêu âm Doppler để xác định chuẩn đoán bệnh và loại trừ một số nguyên nhân gây phù chân khác. Nếu như chẩn đoán là do suy tĩnh mạch và trên siêu âm Doppler có dòng phụt ngược trong tĩnh mạch cùng với các tĩnh mạch bị giãn, thì có chỉ định điều trị ngoại khoa loại bỏ tĩnh mạch hiển.

 

Có nhiều phương pháp phẫu thuật điều trị bệnh suy tĩnh mạch, phẫu thuật và những phương pháp điều trị ít xâm lấn khác. Những phương pháp này đã được chứng minh về tính an toàn và hiệu quả trong điều trị, tỉ lệ các biến chứng nguy hiểm thấp. Sau khi phẫu thuật bệnh nhân có thể đi lại sớm trong ngày.

 

Tuỳ theo phương pháp phẫu thuật mà chi phí điều trị sẽ khác nhau. Các phương pháp điều trị nội mạch có chi phí cao hơn so với mổ mở.

 

Thân ái,

ThS BS Lê Thanh Phong

Phụ trách Phòng khám Mạch máu Bệnh Viện Đại Học Y Dược TP.HCM

Mẹ tôi 73 tuổi ở Qui Nhơn, ngày 29/6/2013 mổ dãn tĩnh mạch chân tại bệnh viện đại học y dược (mã số : A13-0151712 - Nguyễn Thị Hữu), hiện nay vết thương đã lành. Vì hoàn cảnh ở xa nên không có điều kiện vào tái khám được.. Xin hỏi sau phẫu thuật Mẹ tôi có cần phải mang vớ y khoa hay uống thuốc nữa không. Chế độ sinh hoạt như thế nào để tránh tái phát . Rất mong bác sĩ giải đáp vướng mắc. Xin chân thành cảm ơn
Ngày: 13-07-2013

Chào bạn,

 

Điều trị bệnh tĩnh mạch cần phối hợp nhiều phương pháp khác nhau để đạt được kết quả tốt. Ngoài việc mang vớ y khoa áp lực và uống thuốc, người có bệnh cần hạn chế những yếu tố làm nặng hơn tình trạng suy tĩnh mạch ví dụ như tránh đứng lâu, ngồi lâu, tránh tiếp xúc nhiệt, tắm nước nóng, tránh táo bón, tránh mặc quần bó sát, tránh đi giày cao gót, hạn chế những môn thể thao có nâng nặng, đứng lâu. Đồng thời, tăng cường những yếu tố có lợi cho tĩnh mạch ví dụ như nằm gác chân lên gối mềm cao từ 15 đến 20 cm so với giường, luyện tập những môn thể thao có động tác di động cổ chân nhiều và co các cơ cẳng chân như đi bộ nhanh, bơi lội, đi xe đạp,...

 

Nên áp dụng các phương pháp trên trong đời sống hằng ngày để tránh tái phát hay tránh làm bệnh tiến triển nặng hơn.

 

Thân ái,

ThS BS Lê Thanh Phong

Phụ trách Phòng khám Mạch máu Bệnh Viện Đại Học Y Dược TP.HCM

Năm nay, Ba của tôi được 72 tuổi. Có lần đi khám bệnh, bác sĩ nói là ba tôi bị 'Suy van tĩnh mạch sâu chân phải '. Bác sĩ chỉ cho uống Daflavon thôi. Nay, bác sĩ cho tôi hỏi: Tình trạng bệnh của ba tôi có cần can thiệp ngoại khoa không (mổ nội soi ) ? Hay, chỉ có thể điều trị bằng thuốc thôi ? Nếu uống thuốc thì uống bao lâu phải ngưng ? Hay, phải uống thuốc giống như bệnh cao huyết áp. Là phải uống thuốc hoài hoài. Chân thành cám ơn bác sĩ. Trân trọng kính chào.
Ngày: 10-06-2013

Chào bạn,

Chúng tôi cần thêm thông tin về tình trạng bệnh của ba bạn. Ví như ba bạn đã được khám ở đâu, có làm siêu âm mạch máu chưa, có đau chân hay khó chịu ở chân không, có những tĩnh mạch nổi dưới da hay không, có phù chân hay thay đổi sắc tố da ở cẳng chân hay không?

Nếu như ba bạn đã được chẩn đoán chính xác bởi các bác sĩ chuyên khoa mạch máu, ba bạn cần điều trị.

Tuy nhiên tuỳ theo giai đoạn bệnh mà cách điều trị sẽ khác nhau. Do đó, chúng tôi nghĩ tốt nhất là ba bạn nên được đánh giá lại bởi các bác sĩ chuyên khoa mạch máu và siêu âm Doppler tĩnh mạch để đánh giá tĩnh mạch.

 

Thân ái

ThS BS Lê Thanh Phong

Phụ trách Phòng khám Mạch máu Bệnh Viện Đại Học Y Dược TP.HCM

« 1 2 3 4 5 »