Tất cả câu hỏi liên quan bệnh suy tĩnh mạch
Xin chào bác sĩ Mẹ tôi năm nay 72 tuổi, bà đang bị bệnh suy dãn tĩnh mạch chi dưới, hiện tại chân bị phù và ban đêm thường xuyên bị chuột rút bắp chân khi ngủ. Tôi nghe nói bệnh viện Đại Học Y dược có phương pháp điều trị bằng năng lượng sóng cao tần radio. Xin tư vấn thêm về phương pháp này và chi phí điều trị. Xin cám ơn.
Ngày: 29-06-2014

Chào bạn,

 

Tĩnh mạch có nhiệm vụ dẫn máu từ hai chân đi về tim. Bình thường máu trong tĩnh mạch sẽ đi theo chiều từ dưới lên trên và từ nông vào sâu. Trong lòng tĩnh mạch có những van tĩnh mạch, bao gồm hai lá van hình túi với mặt lõm quay lên trên, có nhiệm vụ ngăn cản máu đi theo chiều ngược lại.

 

Khi các van trong lòng tĩnh mạch bị hư hại, một phần máu trong tĩnh mạch sẽ chảy theo một chiều ngược với bình thường, có nghĩa là chảy từ trên xuống dưới và từ sâu ra nông. Hiện tượng này làm tăng áp lực trong tĩnh mạch, làm giãn các nhánh tĩnh mạch nông ở chân, dẫn đến hiện tượng viêm tĩnh mạch và gây nên các triệu chứng đau nhức và khó chịu ở chân cũng như các biến chứng từ nhẹ đến nặng khác. Các triệu chứng đau và khó chịu này làm giảm một cách đáng kể chất lượng cuộc sống của người mắc bệnh tĩnh mạch. Do đó, nguyên tắc của điều trị suy tĩnh mạch là làm giảm tình trạng tăng áp lực trong tĩnh mạch bằng cách làm giảm hay là triệt tiêu dòng chảy ngược trong tĩnh mạch. Loại bỏ tĩnh mạch hiển bằng sóng cao tần là một trong những phương pháp hiệu quả.

 

Phương pháp loại bỏ các tĩnh mạch nông bằng sóng cao tần hay laser nội mạch là các phương pháp điều trị ít xâm lấn tối thiểu, ít gây đau, ít gây bầm máu chi, không để lại sẹo, thời gian nằm viện ngắn, sớm trả lại bệnh nhân với cộng đồng và cho một kết quả ngắn hạn và trung hạn gần tương đương với mổ hở. Nguyên tắc của nó là sử dụng sóng cao tần hay tia laser biến thành nhiệt năng, truyền qua một dây dẫn được đưa vào lòng tĩnh mạch bị bệnh. Sức nóng của ở đầu dây dẫn sẽ làm tổn thương thành tĩnh mạch bị suy giãn và làm cho tĩnh mạch này bị co nhỏ lại, xơ hoá và tắc hoàn toàn. Thay vì cắt bỏ tĩnh mạch bị bệnh ra khỏi chân, phương pháp này vẫn giữ tĩnh mạch tại chỗ nhưng làm cho nó xơ hoá, không còn dòng chảy và do đó làm cải thiện tình trạng bệnh.

 

Thân mến,

ThS BS Lê Thanh Phong

Phụ trách Phòng khám Mạch máu Bệnh Viện Đại Học Y Dược

Chào bác sĩ, em tên Ly, 27 tuổi. Em bị suy tĩnh mạch 2 chân, mức độ nhẹ. Hiện em đang điều trị ngoại trú tại bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM. Bốn tháng đầu em uống thuốc và mang vớ gối thì thấy bệnh cải thiện rõ, chân không đau, không phù, không nổi thêm những mạch máu xanh đỏ, đi đứng dễ dàng hơn. Sang tháng điều trị thứ 5, em đổi sang sử dụng vớ gối hiệu DUOMED, chân em chiều nào cũng phù. Sau 1 tháng thì chân nổi thêm mạch máu xanh ở đùi phía trên đầu gối (cả 2 chân), nó không phình to lên, chỉ hiện lên 1 màu xanh đậm dài khoản 1,5cm, riêng ở bàn chân thì nó phình to và dài khoản 6cm (từ mắt cá chân hướng về ngón chân cái), khi đứng thấy đau ở bàn chân. Sang tháng điều trị thứ 6, bắt đầu từ ngày 14/9. BS cho em mang vớ đùi VENOSAN, chân em không phù nữa, không thấy mạch máu nổi thêm. Nhưng khoảng 5 ngày nay, em thấy nóng ở phía 2 bắp chân, những mạch máu ở bắp chân và đùi thì lâu lâu lại rung lên giật giật, dùng tay sờ cảm nhận rõ nó đang giật giật. Vậy xin BS cho em biết, có phải bệnh của em lại nặng hơn không? Vì những triệu chứng như: nóng ở bắp chân, mạch máu ở đùi và bắp chân lâu lâu nhói đau, hay mạch máu lâu lâu lại rung lên giật giật, đã không còn sau khi em điều trị khoảng 1 tháng. Nhưng bây giờ những triệu chứng này xuất hiện trở lại, làm em rất lo lắng Rất mong BS giải đáp giúp em. Chân thành cảm ơn!
Ngày: 20-09-2013

Chào bạn,

 

Bệnh suy tĩnh mạn tính là một bệnh khó chữa. Điều trị bệnh tĩnh mạch cần phối hợp nhiều phương pháp khác nhau để đạt được kết quả tốt. Ngoài việc mang vớ y khoa áp lực và uống thuốc, người có bệnh cần hạn chế những yếu tố làm nặng hơn tình trạng suy tĩnh mạch ví dụ như tránh đứng lâu, ngồi lâu, tránh tiếp xúc nhiệt, tắm nước nóng, tránh táo bón, tránh mặc quần bó sát, tránh đi giày cao gót, hạn chế những môn thể thao có nâng nặng, đứng lâu. Đồng thời, tăng cường những yếu tố có lợi cho tĩnh mạch ví dụ như nằm gác chân lên gối mềm cao từ 15 đến 20 cm so với giường, luyện tập những môn thể thao có động tác di động cổ chân nhiều và co các cơ cẳng chân như đi bộ nhanh, bơi lội, đi xe đạp,...

 

Những tĩnh mạch giãn dưới da có thể là lớn hay nhỏ. Nếu nhỏ, có thể điều trị bằng chích xơ, hay laser hoặc sóng cao tần. Nếu lớn và nhiều có thể điều trị phẫu thuật cắt bỏ. Các phương pháp này có thể làm giảm đáng kể các triệu chứng.

 

Ngoài ra còn siêu âm Doppler để đánh giá tình trạng tĩnh mạch hiển và các tĩnh mạch sâu khác để có thể đưa ra một cách điều trị hợp lý cho người bệnh.

 

Trong trường hợp của bạn, bạn có hiện tượng phù chân, chúng tôi nghĩ bạn bị suy tĩnh mạch độ 3. Khi mang vớ đùi thì hiệu quả, còn mang vớ gối thì chân vẫn phù gợi ý bạn bị suy tĩnh mạch ở vùng đùi, có thể là tĩnh mạch hiển lớn, những tĩnh mạch xuyên hay tĩnh mạch sâu.

 

Trong bệnh giãn tĩnh mạch, đau có thể xuất hiện trong giai đoạn sớm của bệnh. Đau và khó chịu ở chân không có nghĩa là bệnh đang nặng lên, nó chỉ phát tín hiệu rằng có thể bạn chưa điều trị chưa toàn diện hoặc Bạn xem lại những điều nên làm và không nên làm ở trên xem có chỗ nào có thể điều chỉnh tốt hơn không, ví dụ như đi bộ nhanh 45 phút mổi tối.

 

Các tĩnh mạch nhỏ dưới da nếu nhiều có thể được điều trị bằng cách chích xơ, phương pháp này cho hiệu quả giảm đau đến 85%.

 

Nếu siêu âm Doppler có dòng chảy ngược và tĩnh mạch hiển giãn to, các triệu chứng đau không cải thiện dù điều trị đúng cách, bạn có thể thảo luận với bác sĩ về phương pháp loại bỏ tĩnh mạch hiển bằng sóng cao tần.

 

Thân ái

ThS BS Lê Thanh Phong

Phụ trách Phòng khám Mạch máu Bệnh Viện Đại Học Y Dược TP.HCM

Em mổ phẫu thuật suy tĩnh mạch RFA ở BV đại học Y Dược đã được 25 ngày, nhưng 2 đùi vẫn còn đau, và đặc biệt là 2 bàn chân vẫn bị tê. vậy bác sỹ cho em hỏi, bình thường sau đốt sóng điện cao tần RFA thì bao lâu thì bệnh hết đau? và hiện tượng như trên của em là do sau mổ hay là bệnh suy tĩnh mạch lại tái phát? Mổ xong thì có phải đi vớ y khoa không ạ? Cám ơn bác sỹ nhiều.
Ngày: 01-08-2013

Chào bạn,

 

Phương pháp sóng cao tần nội mạch sử dụng dây (catheter) có phần đầu tận tạo nhiệt được đưa vào trong lòng tĩnh mạch bị suy, đầu tận này đi dọc theo thân tĩnh mạch gây tổn thương nội mạc và thành tĩnh mạch, làm co thành tĩnh mạch và sau cùng là phá hủy tĩnh mạch bị suy. Do đó bệnh nhân thường vẫn đau một thời gian sau mổ, ngắn dài tuỳ trường hợp. Sau mổ bệnh nhân cần điều trị nội khoa thêm một thời gian, bao gồm cả việc mang vớ y khoa.

 

Trong trường hợp của bạn, chúng tôi cho rằng tình trạng đau của bạn là do phẫu thuật.

 

Thân ái

ThS BS Lê Thanh Phong

Phụ trách Phòng khám Mạch máu Bệnh Viện Đại Học Y Dược TP.HCM

« 1 2 3 4 5 »