

Chúng tôi nghĩ rằng ba bạn chưa tuân thủ điều trị nên bệnh chưa thuyên giảm. Điều trị bệnh tĩnh mạch mạn tính cần thời gian.
Điều trị bệnh suy tĩnh mạch cần phối hợp nhiều phương pháp khác nhau để đạt được kết quả tốt. Ngoài việc mang vớ y khoa áp lực và uống thuốc, người có bệnh cần hạn chế những yếu tố làm nặng hơn tình trạng suy tĩnh mạch ví dụ như tránh đứng lâu, ngồi lâu, tránh tiếp xúc nhiệt, tắm nước nóng, tránh táo bón, tránh mặc quần bó sát, tránh đi giày cao gót, hạn chế những môn thể thao có nâng nặng, đứng lâu. Đồng thời, tăng cường những yếu tố có lợi cho tĩnh mạch ví dụ như nằm gác chân lên gối mềm cao từ 15 đến 20 cm so với giường, luyện tập những môn thể thao có động tác di động cổ chân nhiều và co các cơ cẳng chân như đi bộ nhanh, bơi lội, đi xe đạp,...
Nên áp dụng các phương pháp trên trong đời sống hằng ngày để tránh tái phát hay tránh làm bệnh tiến triển nặng hơn.
Trong trường hợp bệnh nặng, điều trị nội khoa không thuyên giảm, lúc này các phương pháp điều trị xâm lấn khác có thể được áp dụng ví dụ như: chích xơ, phẫu thuật, loại bỏ tĩnh mạch hiển bằng laser hay sóng cao tần qua ngã nội mạch,...
Ba bạn cần đến gặp lại các bác sĩ để được đánh giá lại tình trạng bệnh và có hướng điều trị đúng.
Thân mến,
ThS BS Lê Thanh Phong
Phụ trách Phòng khám Mạch máu Bệnh Viện Đại Học Y Dược TP.HCM


Bạn thân mến,
Phương pháp loại bỏ các tĩnh mạch nông bằng sóng cao tần hay laser nội mạch là các phương pháp điều trị ít xâm lấn tối thiểu, ít gây đau, ít gây bầm máu chi, không để lại sẹo, thời gian nằm viện ngắn, sớm trả lại bệnh nhân với cộng đồng và cho một kết quả ngắn hạn và trung hạn gần tương đương với mổ hở. Nguyên tắc của nó là sử dụng sóng cao tần hay tia laser biến thành nhiệt năng, truyền qua một dây dẫn được đưa vào lòng tĩnh mạch bị bệnh. Sức nóng của ở đầu dây dẫn sẽ làm tổn thương thành tĩnh mạch bị suy giãn và làm cho tĩnh mạch này bị co nhỏ lại, xơ hoá và tắc hoàn toàn. Thay vì cắt bỏ tĩnh mạch bị bệnh ra khỏi chân, phương pháp này vẫn giữ tĩnh mạch tại chỗ nhưng làm cho nó xơ hoá, không còn dòng chảy và do đó làm cải thiện tình trạng bệnh.
Sau phẫu thuật người bệnh có thể về trong ngày hay về sáng hôm sau.
Thân ái.
ThS BS Lê Thanh Phong
Phụ trách Phòng khám Mạch máu Bệnh Viện Đại Học Y Dược TP.HCM


Chào bạn,
Về nguyên tắc, ở một bệnh nhân lớn tuổi, bệnh giãn tĩnh mạch có triệu chứng đau nhức, thì phương pháp chích xơ có thể là một lựa chọn phù hợp. Tuy nhiên nếu tình trạng giãn tĩnh mạch nhiều nơi, giãn quá to,... thì việc chích xơ chỉ hiệu quả một phần. Do đó, chúng tôi cần khám, siêu âm Doppler đánh giá tình trạng suy tĩnh mạch của mẹ bạn trước khi có thể trả lời chính xác câu hỏi liệu chích xơ có phù hợp hay không.
Bạn nên đưa mẹ bạn đến phòng khám mạch máu bệnh viện ĐHYD TP HCM để khám, nếu có chỉ định, các Bác sĩ ở đưa bạn xuống phòng tiểu phẫu gần bên để chích xơ và sau khi chích xong, mẹ bạn có thể ra về trong ngày.
Chi phí chích xơ hiện nay tại bệnh viện ĐHYD là 650.000.
Chúc mẹ bạn mau khỏi bệnh.
Thân mến,
ThS BS Lê Thanh Phong
Phụ trách Phòng khám Mạch máu Bệnh Viện Đại Học Y Dược TP.HCM