

Chúng tôi nghĩ rằng ba bạn chưa tuân thủ điều trị nên bệnh chưa thuyên giảm. Điều trị bệnh tĩnh mạch mạn tính cần thời gian.
Điều trị bệnh suy tĩnh mạch cần phối hợp nhiều phương pháp khác nhau để đạt được kết quả tốt. Ngoài việc mang vớ y khoa áp lực và uống thuốc, người có bệnh cần hạn chế những yếu tố làm nặng hơn tình trạng suy tĩnh mạch ví dụ như tránh đứng lâu, ngồi lâu, tránh tiếp xúc nhiệt, tắm nước nóng, tránh táo bón, tránh mặc quần bó sát, tránh đi giày cao gót, hạn chế những môn thể thao có nâng nặng, đứng lâu. Đồng thời, tăng cường những yếu tố có lợi cho tĩnh mạch ví dụ như nằm gác chân lên gối mềm cao từ 15 đến 20 cm so với giường, luyện tập những môn thể thao có động tác di động cổ chân nhiều và co các cơ cẳng chân như đi bộ nhanh, bơi lội, đi xe đạp,...
Nên áp dụng các phương pháp trên trong đời sống hằng ngày để tránh tái phát hay tránh làm bệnh tiến triển nặng hơn.
Trong trường hợp bệnh nặng, điều trị nội khoa không thuyên giảm, lúc này các phương pháp điều trị xâm lấn khác có thể được áp dụng ví dụ như: chích xơ, phẫu thuật, loại bỏ tĩnh mạch hiển bằng laser hay sóng cao tần qua ngã nội mạch,...
Ba bạn cần đến gặp lại các bác sĩ để được đánh giá lại tình trạng bệnh và có hướng điều trị đúng.
Thân mến,
ThS BS Lê Thanh Phong
Phụ trách Phòng khám Mạch máu Bệnh Viện Đại Học Y Dược TP.HCM


Chào anh,
Xin cảm ơn sự tin tưởng của anh dành cho bệnh viện chúng tôi.
Theo thông tin từ anh cung cấp, anh có thể bóc bướu máu, một dị dạng mạch máu dạng tĩnh mạch. Vì vị trí của bướu nằm ở lòng bàn chân, nơi tiếp xúc trực tiếp khi đi lại nên có thể gây đau.
Việc điều trị các dị dạng mạch máu như thế này có thể sử dụng một số phương pháp như chích xơ, chích cồn, đốt bằng sóng cao tần, hay phẫu thuật. Chỉ định điều trị thường dựa vào một số tiêu chuẩn về bản chất bướu, kích thước, vị trí bướu,... Và quyết định điều trị như thế nào chỉ có thể có sau khi đã khám toàn diện.
Thông tin của anh không đủ cho chúng tôi có một lời khuyên chính xác. Hy vọng anh có thể đến phòng khám mạch máu bệnh viện ĐHYD để được tư vấn thêm.
Riêng về sự khác nhau về giá chích xơ giữa hai trung tâm y tế được nêu, chúng tôi không thể trả lời thay cho các bệnh viện đó vì không có đủ thông tin.
Anh có thể gặp chuyên gia Pháp khi họ đến BVCR xem sao.
Chúc anh may mắn.
ThS BS Lê Thanh Phong
Phụ trách phòng khám Mạch máu Bệnh Viện Đại Học Y Dược TP.HCM


Chào bạn,
Bạn là nam hay nữ, bao nhiêu tuổi, bệnh khởi phát bao lâu, tính chất đau như thế nào, có liên quan đến tư thế đứng hay thời tiết, chẩn đoán tại bệnh viện Thủ Đức là gì, điều trị như thế nào,...
Thông thường, triệu chứng đau ở chân có thể liên quan đến các bệnh về mạch máu, xương khớp, thần kinh,... Tuy nhiên những thông tin mà bạn cung cấp không đủ để có một chẩn đoán, hy vọng bạn có thể đến phòng khám mạch máu của BV để chúng tôi có thể khám và tư vấn phù hợp.
ThS BS Lê Thanh Phong
Phụ trách phòng khám Mạch máu Bệnh Viện Đại Học Y Dược TP.HCM