Tất cả câu hỏi liên quan bệnh suy tĩnh mạch
Chào bác sĩ, bà em năm nay 75 tuổi bị mắc bệnh giãn tĩnh mạch ở chân, bà đã đi khám ở bệnh tại BVDHYD Tp.HCM đã được một thời gian, đang uống thuốc và mang vớ chân nhưng bệnh vẫn không có dấu hiệu suy giảm, chân bị sưng to và đau nhức. Xin hỏi bs có cách trị liệu nào tốt hơn không? Bệnh này có trị dứt điểm không ạ? Cám ơn bác sĩ.
Ngày: 05-01-2015

Bạn thân mến, 


Nếu trên siêu âm Doppler có tình trạng giãn các tĩnh mạch hiển lớn và bé, phẫu thuật hay loại bỏ tĩnh mạch bằng sóng cao tần hay Laser.

 

Nếu có nhiều tĩnh mạch nông dưới da như tĩnh mạch lưới và tĩnh mạch mạng nhện đường kính nhỏ hơn 3 mm thì có thể chích xơ tĩnh mạch.

 

Ngoài ra còn phải phối hợp nằm gác chân cao vài lần trong ngày, hạn chế đứng lâu hay ngồi lâu,...


Thân ái. 
ThS BS Lê Thanh Phong

Phụ trách Phòng khám Mạch máu Bệnh Viện Đại Học Y Dược TP.HCM

Chào BS ! Tôi năm nay 67 tuổi .tôi bị đau và sưng cái chân từ đầu gối đến mắt cá chân ở bên phải . tôi đã đi khám và được BS cho làm xét nghiệm cho kết quả là : chân tôi bị giãn tỉnh mạch . Nhưng đến nay đìu trị không bớt . Bác sỹ làm ơn tư vấn giúp tôi , nếu tôi khám ở Bệnh Viện Đại Học Y Dược thì tôi nên khám ở chuyên khoa nào.
Ngày: 28-12-2014

Chào bác,


Bác có thể đến khám ở phòng khám Mạch máu của Bệnh viện Đại học Y Dược các ngày trong tuần.

 

Điều trị bệnh suy tĩnh mạch cần phối hợp nhiều phương pháp khác nhau để đạt được kết quả tốt. Ngoài việc mang vớ y khoa áp lực và uống thuốc, người có bệnh cần hạn chế những yếu tố làm nặng hơn tình trạng suy tĩnh mạch ví dụ như tránh đứng lâu, ngồi lâu, tránh tiếp xúc nhiệt, tắm nước nóng, tránh táo bón, tránh mặc quần bó sát, tránh đi giày cao gót, hạn chế những môn thể thao có nâng nặng, đứng lâu. Đồng thời, tăng cường những yếu tố có lợi cho tĩnh mạch ví dụ như nằm gác chân lên gối mềm cao từ 15 đến 20 cm so với giường, luyện tập những môn thể thao có động tác di động cổ chân nhiều và co các cơ cẳng chân như đi bộ nhanh, bơi lội, đi xe đạp,...

 

Nên áp dụng các phương pháp trên trong đời sống hằng ngày để tránh tái phát hay tránh làm bệnh tiến triển nặng hơn.

 

Trong trường hợp bệnh nặng, điều trị nội khoa không thuyên giảm, lúc này các phương pháp điều trị xâm lấn khác có thể được áp dụng ví dụ như: chích xơ, phẫu thuật, loại bỏ tĩnh mạch hiển bằng laser hay sóng cao tần qua ngã nội mạch,...

 

Tuy nhiên bác cần đến gặp lại các bác sĩ để được đánh giá lại tình trạng bệnh và có hướng điều trị đúng.


Thân ái. 
ThS BS Lê Thanh Phong

Phụ trách Phòng khám Mạch máu Bệnh Viện Đại Học Y Dược

 

Chào Bác sỹ, tôi năm nay 62 tuổi, cách đây hơn 3 năm, tôi có làm phẫu thuật mổ khâu dây chằng chân trái phía trước đầu gối, khoảng 2 tháng gần đây, tôi bắt đầu bị đau ở phần gập sau đầu gối, đi siêu âm ở bệnh viện gần nhà, kết quả có dịch nên bác sỹ cho tôi dùng thuốc, kết luận là tôi có nhân xơ, nhưng sau khi dùng thuốc tôi thấy vẫn không thuyên giảm, tôi cảm thấy đau mỗi khi phải đứng lâu, đôi khi cảm giác chân sưng to hơn bên còn lại, tôi cảm thấy rất khó khăn khi phải ngồi xổm, nên tôi quyết định vào thành phố HCM khám chuyên khoa xương khớp, bác sỹ nói chân của tôi đau không phải vì có nhân xơ và cho tôi uống thêm 1 tháng thuốc, sau 1 thời gian dùng thuốc, tôi cảm thấy mệt mỏi, tiêu hóa không tốt, tuy nhiên chân tôi vẫn không hề hết cảm giác đau nên tôi không muốn dùng thuốc nữa. Tôi không rõ chân tôi đau vì lý do gì, vì tôi không có cảm giác đau trong xương, chỉ thấy đau nhức ở phía sau chân, đôi khi nặng chân, không biết có phải là đau thần kinh không? hay là bệnh mạch máu, nhưng chân tôi không có dấu hiệu nổi gân. Kính mong bác sỹ hướng dẫn và giải đáp cho tôi. Cảm ơn bác sỹ.
Ngày: 09-12-2014

Chào bác,


Chân đau tăng lên khi đứng lâu, chân có phù phù hợp với bệnh suy tĩnh mạch mạn tính.

Bác có thể đến phòng khám mạch máu của bệnh viện Đại học Y Dược để được khám bệnh, siêu âm Doppler mạch máu và tư vấn điều trị phù hợp.


Thân ái. 
ThS BS Lê Thanh Phong

Phụ trách Phòng khám Mạch máu Bệnh Viện Đại Học Y Dược TP.HCM

 

« 1 2 3 4 5 »