PHỤ NỮ MANG THAI NHIỀU LẦN DỄ BỊ GIÃN TĨNH MẠCH
Nhiều nghiên cứu cho thấy có sự gia tăng tần suất mắc bệnh giãn tĩnh mạch ở nhóm phụ nữ mang thai nhiều lần. Điều này cũng có nghĩa là phụ nữ càng sinh nhiều con khả năng bị suy giãn tĩnh mạch càng cao.
Từ khi mang thai đứa con thứ hai, chị Ngọc Điệp (27 tuổi, quê Lâm Đồng) thấy hai chân bắt đầu xuất hiện chi chít mạch máu nhỏ dưới da, từ li ti rồi phình to trông thấy rõ, kèm theo cảm giác tê mỏi, đau nhức. Khi đến bệnh viện siêu âm, bệnh nhân mới biết bị suy giãn tĩnh mạch chi dưới khá nặng, phải nhập viện để mổ chân phải, còn chân trái nhẹ hơn nên được điều trị nội khoa.
"Thấy cảm giác đau buốt bắt đầu xuất hiện cách đây mấy năm nhưng tôi cứ nghĩ là bệnh đau nhức thông thường, uống thuốc sẽ khỏi. Không ngờ các triệu chứng trên không khỏi mà ngày càng tệ hơn", chị Điệp, mẹ của 3 đứa con kể.
Bệnh nhân Ngọc Điệp đang được phẫu thuật điều trị giãn tĩnh mạch ở Bệnh viện ĐH Y Dược TP HCM. Ảnh: Thi Ngoan
Cũng đến bệnh viện khám với tình trạng nhức mỏi hai chân triền miên, nhất là vào mùa lạnh, chị Hoa (37 tuổi, Đồng Nai) cho biết, từ khi mang bầu đứa con thứ tư cách đây hơn một năm, chị thấy ở chân trái xuất hiện nhiều búi gân nổi lên "như giun". Khi hỏi thăm bà con hàng xóm, họ mách chị mua tất chân y tế về mang cho bớt đau. "Khi đeo tất vào, chân đỡ đau hẳn. Nhưng chỉ được một thời gian rồi lại đau như thường. Thậm chí một số chỗ da còn bị loét", nữ bệnh nhân kể.
Khi thấy triệu chứng đau nhức và lở loét ngày càng nặng, chị Hoa được chồng đưa đến bệnh viện khám. Bác sĩ điều trị cho biết bệnh nhân bị suy tĩnh mạch chi dưới ở giai đoạn nặng nên phải nhập viện để phẫu thuật cả hai chân.
Thạc sĩ, bác sĩ Lê Thanh Phong, Trưởng đơn vị Phẫu thuật Mạch máu, Bệnh viện ĐH Y Dược TP HCM cho biết, mỗi năm bệnh viện tiếp nhận hàng nghìn ca suy giãn tĩnh mạch, trong đó đa phần là phụ nữ ở độ tuổi mang thai.
"Giãn tĩnh mạch ở nữ giới thường phát hiện ở lần mang thai đầu tiên, rất hiếm khi xuất hiện ở giai đoạn trước dậy thì. Một số nghiên cứu ghi nhận, chỉ gần 10% nữ giới bị giãn tĩnh mạch là chưa có thai, còn lại 90% xảy ra ở nhóm phụ nữ từng mang thai", bác sĩ Thanh Phong, hiện là thành viên Hiệp hội Phẫu thuật Mạch máu châu Âu nói.
Lý giải vấn đề này, bác sĩ Phong cho biết, trước đây các nhà nghiên cứu từng đặt ra hai giả thuyết về mối tương quan giữa việc mang thai và bệnh giãn tĩnh mạch ở phụ nữ. Một là do tử cung to ra, chèn ép các tĩnh mạch từ phía trên bụng gây cản trở dòng máu chảy về tim. Hai là do sự thay đổi về nội tiết tố của người mẹ trong quá trình mang thai.
Cuộc khảo sát quy mô lớn sau đó cho thấy có 70-80% số phụ nữ mang thai phát hiện tình trạng giãn tĩnh mạch trong 3 tháng đầu tiên của thai kỳ, lúc này tử cung chỉ hơi to hơn bình thường một chút. Còn lại khoảng 1-5% trường hợp giãn tĩnh mạch xuất hiện ở 3 tháng cuối thai kỳ khi tử cung đủ to để gây cản trở dòng máu chảy về ở tĩnh mạch.
Sau nghiên cứu này, các nhà khoa học khẳng định phần lớn nguyên nhân gây giãn tĩnh mạch không hề do tình trạng bào thai phát triển to, chèn ép tĩnh mạch. "Chính sự thay đổi nội tiết tố mà chủ yếu là sự gia tăng của chất progesteron khi mang thai đóng vai trò chính gây bệnh giãn tĩnh mạch và suy các van tĩnh mạch", bác sĩ Phong cho biết thêm.
Bệnh suy giãn tĩnh mạch biểu hiện ở 2 khía cạnh:
- Triệu chứng cơ năng (có nghĩa là những dấu hiệu mà chỉ có người bệnh cảm nhận được), chủ yếu là cảm giác đau nhức và khó chịu ở chân. Những cảm giác khó chịu này thường rất khó mô tả chính xác, bao gồm nhức mỏi chân, nặng chân, cảm giác chân không yên, chuột rút (vọp bẻ), và ngứa.
- Triệu chứng thực thể (là những dấu hiệu có thể nhìn thấy): các tĩnh mạch giãn dưới da, kích thước từ nhỏ như sợi tóc đến to như con giun đất, có thể nằm rải rác hay tập trung thành một đám. Một dấu hiệu thường gặp khác là phù chân, thường xuất hiện vào buổi chiều hay sau khi đứng một lúc. Ở giai đoạn nặng hơn, da ở vùng cổ chân sẽ sậm màu, dày và cứng hơn, bề mặt bị sừng hoá nham nhở xen kẽ những chỗ mất sắc tố da trở nên trắng bệch. Nặng nhất là tình trạng loét da, chủ yếu ở xung quanh cổ chân, gần mắt cá trong và ngoài.
Tuỳ theo tình trạng bệnh mà có phương pháp điều trị phù hợp gồm: điều trị nội khoa, phẫu thuật, và các điều trị bổ trợ khác. Thông thường phải phối hợp nhiều phương pháp điều trị mới mang lại hiệu quả tốt nhất.
Việc điều trị trên phụ nữ đang mang thai chủ yếu là mang vớ (tất) tĩnh mạch và các điều trị bổ trợ khác.
Sau khi sinh, các triệu chứng cơ năng ở chân sẽ giảm một phần. Việc điều trị có thể tiến hành bình thường, song việc phẫu thuật nên được cân nhắc vì nó có thể làm ảnh hưởng việc chăm sóc con của sản phụ. Mặt khác, phẫu thuật giãn tĩnh mạch có thể trì hoãn, nên tốt nhất hãy chờ sau khi thôi bú cho bé rồi mới mổ.
"Ảnh hưởng của việc mang thai đối với bệnh giãn tĩnh mạch là hiện tượng không thể can thiệp được. Lời khuyên đối với các phụ nữ bị suy giãn tĩnh mạch là hạn chế sinh nhiều con, khi mang thai nên áp dụng các phương pháp điều trị làm giảm nhẹ triệu chứng", bác sĩ Thanh Phong khuyên.
Nguồn VNExpress. Tác giả: Thi Ngoan
Các bài khác
- CHƯƠNG TRÌNH THẦY THUỐC GIA ĐÌNH CỦA ĐÀI TRUYỀN HÌNH CẦN THƠ (04.07.2014)
- 65% NGƯỜI SUY GIÃN TĨNH MẠCH KHÔNG BIẾT MÌNH MẮC BỆNH (28.06.2014)
- 8 YẾU TỐ NGUY CƠ DẪN ĐẾN BỆNH SUY GIÃN TĨNH MẠCH (10.07.2012)
- SUY TĨNH MẠCH MẠN TÍNH, MỘT NGUYÊN NHÂN GÂY PHÙ CHÂN (10.07.2012)
- SUY TĨNH MẠCH ĐỘ 1 CÓ NÊN ĐIỀU TRỊ BẰNG LASER? (10.07.2012)