Chi tiết

SUY TĨNH MẠCH Ở PHỤ NỮ MANG THAI

 

 

Trong quá trình mang thai có tới 50% phụ nữ bị phù cổ chân và cẳng chân, khoảng 20 – 30% bị giãn tĩnh mạch. Người ta cũng nhận thấy có tới 20% phụ nữ mang thai bị giãn tĩnh mạch âm hộ và âm đạo

 

Các nguyên nhân chủ yếu gây giãn tĩnh mạch bao gồm:

 

Hình bà bầu- Do hormon sinh dục nữ tăng cao trong thời kỳ thai nghén, làm giảm trương lực co mạch và độ đàn hồi của mạch máu.

 

- Tăng thể tích máu tới 20-30% trong suốt quá trình mang thai.

 

- Tăng áp lực tĩnh mạch gấp 2-3 lần do tử cung chèn ép vào tĩnh mạch chủ dưới khi nằm ngửa ở thời điểm 3 tháng cuối.

 

- Giảm dần vận tốc dòng chảy máu tĩnh mạch trong thời kỳ mang thai, có thể giảm tới 1 nữa trong 3 tháng cuối ở thời kỳ thai nghén.

 

- Các van tĩnh mạch bị hở do tĩnh mạch căng ra và trở nên suy cơ nặng. Các van tĩnh mạch bị hở này sẽ trở về bình thường sau khi sinh. Tuy nhiên, một số bệnh nhân vẩn không phục hồi và giãn tĩnh mạch sau sinh.

 

- Bên cạnh đó có hiện tượng tăng đông máu sinh lý trong quá trình mang thai. Hiện tượng tăng đông máu bắt đầu xuất hiện vào cuối tháng thứ 2 và kéo dài suốt thời kỳ mang thai, làm tăng nguy cơ huyết khối trong thai kỳ và khi sinh. Việc điều trị bằng thuốc cho bệnh nhân rất khó khăn vì hầu hết các thuốc có chống chỉ định với phụ nữ mang thai (gây quái thai, sảy thai, sinh non, thai chết lưu), cho nên phòng bệnh là biện pháp quan trọng nhất.

 

Phòng bệnh giãn tĩnh mạch ở phụ nữ mang thai:

 

1. Có chế độ ăn hợp lý.

 

2. Tập thể dục đều đặng.

 

3. Không ngồi hoặc đứng trong thời gian dài mà không nghỉ giải lau để di chuyển. Lúc nằm nghỉ, nên kê chân cao từ 15cm đến 20cm.

 

4. Nằm ngủ nghiêng bên trái bằng cách để gối sau lưng giữ cho mình nghiêng về bên trái. Vì tĩnh mạch chủ dưới ở phía bên phải, nằm nghiêng bên trái sẽ làm giảm sức nặng của tử cung lên tĩnh mạch chủ dưới, do đó làm giảm áp lực lên các tĩnh mạch ở chân và bàn chân.

 

5. Mang vớ áp lực: Vớ tạo áp lực mạnh ở phần mắc cá, giảm áp lực dần cho đến phần đùi, làm cho máu dễ dàng chảy ngược về tim. Kết quả là giúp ngăn ngừa sưng và có thể giữ cho các tĩnh mạch đã giãn không trầm trọng hơn. Nên mang vớ cả ngày và nên tháo ra khi nằm ngủ.

 

6. Tránh tắm hoặc ngâm trong bồn nước nóng quá mức, quá lâu.

 

Khi có các dấu hiệu và triệu chứng bất thường ở chân, không được tự ý dùng thuốc, mà phải đến gặp Bác sĩ để được tư vấn và điều trị.