CƠ CHẾ GÂY BỆNH SUY GIÃN TĨNH MẠCH Ở CHÂN
Thạc sĩ- Bác sĩ Lê Thanh Phong
Trưởng đơn vị Phẫu thuật Mạch máu
BV Đại Học Y Dược TP HCM
Bệnh suy giãn tĩnh mạch xảy ra khi các van trong lòng tĩnh mạch hỏng, làm cho máu chảy theo chiều trái ngược với thông thường. Thay vì được bơm từ bàn chân lên tim, máu tĩnh mạch sẽ đi theo chiều ngược lại.
Trong cơ thể con người có hai loại mạch máu chính: động mạch và tĩnh mạch (xem hình vẽ dưới đây).
Các đường màu đỏ là động mạch, màu xanh là tĩnh mạch ở chân. Trong đó có các tĩnh mạch sâu phân bố cạnh các động mạch.
Động mạch giống như một mạng lưới bao gồm các cấu trúc hình ống, từ lớn đến nhỏ, với nhiệm vụ dẫn máu có ôxy và chất dinh dưỡng từ tim trái đến nuôi các cơ quan. Khi mô ở các cơ quan nhận hết chất dinh dưỡng và ôxy thì trả máu "bẩn" lại cho hệ tĩnh mạch để dẫn máu về tim phải.
Tĩnh mạch cũng như một mạng lưới gồm các cấu trúc hình ống, vận hành theo cơ chế các tĩnh mạch nhỏ ở xa sẽ dẫn máu về các tĩnh mạch lớn hơn, gần tim hơn, sau đó đổ về tim.
Hệ tĩnh mạch chi dưới bao gồm các tĩnh mạch nông (nằm ngay dưới da), tĩnh mạch sâu (trong khoang cơ của chi dưới) và tĩnh mạch xuyên (nối từ hệ tĩnh mạch nông với tĩnh mạch sâu).
Các tĩnh mạch sâu vận chuyển 90% tổng lượng máu về tim, phần còn lại khoảng 10% là do tĩnh mạch nông đảm nhận. Khi các tĩnh mạch nông bị tắc hoặc được cắt bỏ sẽ không ảnh hưởng đến khả năng vận chuyển máu của hệ tĩnh mạch chi dưới. Tương tự, các nhánh tĩnh mạch xuyên nếu hư cũng có thể được phá bỏ vì nó chỉ có nhiệm vụ dẫn máu từ hệ thống nông về hệ thống tĩnh mạch sâu.
Cơ chế gây bệnh suy giãn tĩnh mạch:
Trong lòng tĩnh mạch chi dưới, ở phía dưới nếp bẹn có các van tĩnh mạch. Van được cấu tạo bởi 2 lá van nằm trong lòng tĩnh mạch. Hai lá van này có một đầu dính vào thành tĩnh mạch, phần còn lại nằm tự do trong lòng tĩnh mạch (như ảnh dưới đây).
Cấu tạo của một van tĩnh mạch. Chú thích: a: bờ tự do của lá van, b: mép của lá van, c: phần xoang van, d. phần lá van dính vào thành tĩnh mạch.
Khi bàn chân cử động, cơ co bóp và bơm máu từ chân lên trên. Lúc đó các lá van sẽ mở ra, cho phép dòng máu "bẩn" trở về tim. Khi chân đứng yên, do tác động của trọng lực, dòng máu có khuynh hướng đi ngược từ trên xuống, nhưng vì các van đã đóng lại nên ngăn cản dòng máu chảy ngược xuống dưới. Với phương thức hoạt động như thế, các van tạo nên hệ thống dòng chảy một chiều trong tĩnh mạch như ảnh mô tả dưới đây:
Cơ chế hoạt động của van. Từ trái sang phải: (1): van tĩnh mạch, (2): van mở ra cho dòng máu đi lên trên, (2): sau đó van đóng lại ngăn không cho dòng máu chảy ngược xuống dưới. Ảnh: Ngọc Thể.
Bệnh giãn tĩnh mạch xảy ra khi các van trong lòng tĩnh mạch bị hỏng, làm cho máu chảy theo chiều trái ngược với thông thường. Thay vì được bơm từ bàn chân lên tim, máu "bẩn" sẽ đi theo chiều ngược lại làm tăng áp lực trong lòng tĩnh mạch đồng thời kéo giãn thành tĩnh mạch. Khi các tĩnh mạch bị giãn, sẽ làm cho tình trạng hở van ngày càng nặng thêm nên dòng chảy ngược sẽ nhiều hơn.
Ảnh từ trái sang phải: (1) tĩnh mạch bị giãn to, (2) khi hai van mở ra máu vẫn đi về phía trên được, (3) van đóng lại không kín, do đó máu chảy ngược xuống dưới xuyên qua chỗ hở của hai lá van, tạo nên dòng chảy ngược. Ảnh: Ngọc Thể.
Hậu quả là gây nên tình trạng những tĩnh mạch giãn to, ngoằn ngoèo dưới da hoặc viêm ở các mô xung quanh. Biểu hiện thành triệu chứng phù mắt cá chân, viêm da và lở loét ở cẳng chân, chủ yếu là ở vùng gần mắt cá chân như ảnh dưới đây:
Giãn các tĩnh mạch mạng nhện ở dưới mắt cá trong. Đây là giai đoạn 1: Các tĩnh mạch giãn nhỏ hơn 1 mm. Ảnh: TT.
Cách điều trị bệnh suy giãn tĩnh mạch bằng phẫu thuật:
Bệnh suy tĩnh mạch mạn tính biểu hiện ở các khía cạnh: Tổn thương thành tĩnh mạch, van tĩnh mạch và tổn thương da. Đó là kết quả của phản ứng viêm, bắt nguồn từ sự tăng áp lực trong lòng tĩnh mạch. Các phương pháp điều trị đều nhằm điều chỉnh sự tăng áp lực này. Phẫu thuật đóng một vai trò quan trọng trong việc loại bỏ dòng chảy ngược - nguyên nhân gây tăng áp lực trong tĩnh mạch.
Có nhiều phương pháp để loại bỏ dòng chảy ngược ở các tĩnh mạch nông như phẫu thuật, chích xơ, đốt bằng sóng cao tần, đốt laser nội mạch. Các phẫu này được chứng minh hiệu quả và an toàn, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống bệnh nhân. Bên cạnh đó, các phương pháp điều trị khác cũng đóng một vai trò quan trọng góp phần nâng cao hiệu quả điều trị và ngăn ngừa bệnh tái phát.
Riêng đối với suy tĩnh mạch sâu, đang có hai luồng quan điểm: Một nhóm bác sĩ cho rằng nguyên nhân bệnh là do lá van tĩnh mạch có vấn đề, làm cho van đóng không kín nên không ngăn được dòng máu chảy ngược. Vì thế cần tập trung sửa chữa van. Nhóm thứ hai cho rằng thành tĩnh mạch nâng đỡ van bị giãn làm cho van không thể đóng kín nên dòng máu chảy ngược xuất hiện. Vì thế cần làm vững thành tĩnh mạch bằng phẫu thuật, hy vọng các lá van có thể đóng kín. Các phẫu thuật này thường rất khó, kết quả ngắn hạn và trung hạn tốt nhưng về dài hạn không như mong muốn nên chỉ áp dụng cho những bệnh nhân bị loét chân do suy tĩnh mạch sâu mà điều trị bằng các phương pháp khác không khỏi.
Nguồn: VNExpress. Tác giả: Thi Trân
Các bài khác
- SUY TĨNH MẠCH MẠN TÍNH (04.02.2021)
- NHẬN ĐỊNH - ĐÁNH GIÁ VẾT LOÉT ĐỂ CHỌN BĂNG GẠC THÍCH HỢP (04.02.2021)
- PHÁT ĐỒ ĐIỀU TRỊ LOÉT CHÂN DO SUY TĨNH MẠCH (02.02.2021)
- SUY TĨNH MẠCH MẠN TÍNH CHI DƯỚI (10.07.2012)
- NHẬN BIẾT 7 CẤP ĐỘ BỆNH SUY TĨNH MẠCH QUA ẢNH (10.07.2012)