Chi tiết

ĐIỀU TRỊ SÓNG CAO TẦN - MỘT PHƯƠNG PHÁP MỚI TRONG ĐIỀU TRỊ SUY TĨNH MẠCH MẠN TÍNH

 

Thạc sĩ - Bác sĩ  Lê Phi Long

 

Suy tĩnh mạch mạn tính hiện nay không còn là một bệnh xa lạ với người dân. Tỷ lệ mắc bệnh là rất cao, đặc biệt ở những người có thói quen hoặc nghề nghiệp phải đứng lâu, đi lại nhiều, hoặc phụ nữ mang thai sanh nở nhiều, béo phì, người mắc chứng táo bón kinh niên. Tại Hoa Kỳ, theo thống kê, có tới 10-30% người lớn mắc bệnh này, làm tiêu tốn hàng tỷ USD và hơn 1 triệu ngày công lao động hàng năm. Trong vòng 3 năm qua, tại Bệnh Viện Đại Học Y Dược TP. HCM đã có trên 20.000 lượt bệnh nhân đến khám và điều trị các triệu chứng do suy tĩnh mạch mạn tính gây ra. Bệnh thuyên giảm khá chậm, thường do diễn tiến mạn tính lâu ngày, và do người bệnh khó thay đổi được thói quen làm việc đứng lâu ngồi nhiều, nên thời gian điều trị thường kéo dài từ 3-6 tháng, gây tốn kém nhiều thời gian và tiền bạc. Mặt khác, do tính chất mạn tính, các van tĩnh mạch khi bị suy yếu hư hỏng sẽ không có khả năng tự hồi phục, nên bệnh cũng thường tái phát sau một thời gian ngưng điều trị, và có không ít các trường hợp phải điều trị suốt đời.

 

Điều trị sóng cao tần 3

Hình 1. Dãn tĩnh mạch

 

Hiện nay trên thế giới có nhiều phương pháp để điều trị bệnh lý này. Một trong những ứng dụng mới nhất của y học hiện đại, đó là sử dụng sóng cao tần để điều trị suy tĩnh mạch mạn tính chi dưới.

 

Dòng máu trào ngược – thủ phạm gây ra triệu chứng

 

Bình thường, máu tĩnh mạch lưu chuyển từ hai chân về tim theo chiều từ dưới lên trên, ngược chiều với trọng lực, cho dù khi người bệnh đang ở bất cứ tư thế nào hoặc khi đi lại. Để làm được điều này, ngoài các cơ thể như lực hút của cơ tim và lồng ngực, sức co bóp của khối cơ cẳng chân, còn có vai trò rất quan trọng của hệ thống van một chiều trong lòng các tĩnh mạch bảo đảm cho dòng máu luôn luôn chảy theo chiều sinh lý nói trên. Khi các hệ thống van này bị hư hỏng, suy yếu, ngoài dòng máu sinh lý nói trên, trong lòng tĩnh mạch sẽ xuất hiện các dòng máu chảy theo chiều ngược lại, gọi là dòng trào ngược. Điều này sẽ gây ra các xáo trộn về mặt sinh lý mà y học gọi là rối loạn huyết động, là nguyên nhân dẫn tới các triệu chứng lâm sàng như nhức mỏi, nặng chân, cảm giác căng tức ở chân, sưng phù chân về chiều, vọp bẻ về đêm, dãn các mạch máu ngoài da, chàm da, sạm da, loét chân…

 

Điều trị sóng cao tần 2

Hình 2. Dãn và suy tĩnh mạch

 

Loại bỏ dòng trào ngược bằng sóng siêu âm cao tần – Ưu điểm so với các kỹ thuật trước đây

 

Kể từ khi ra đời, sóng cao tần đã được ứng dụng vào lĩnh vực y học trong điều trị khá nhiều bệnh lý, như điều trị u gan, điều trị u xơ tiền liệt tuyến…Trong suy tĩnh mạch mạn tính, điều trị sóng cao tần làm co thắt tĩnh mạch và làm cho thành phần collagen của thành tĩnh mạch co vào, cuối cùng dẫn đến tắc mạch và hết dòng máu trào ngược. Điều trị sóng cao tần (Radio Frequency Ablation – RFA) được chính thức sử dụng trong điều trị suy tĩnh mạch tại các nước châu Âu từ 1998 và tại Hoa Kỳ từ 1999. Cho đến nay, kỹ thuật này đã được sử dụng tại nhiều nước trên thế giới, kể cả các nước trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Philippines, Singapore. Từ cuối 2009, bệnh viện ĐHYD TP. HCM là nơi đầu tiên trong cả nước đã triển khai và ứng dụng thành công kỹ thuật này.

 

Điều trị sóng cao tần 1

Hình 3. Điều trị dãn tĩnh mạch bằng sóng cao tần

 

Chỉ định chính của RFA là nhằm mục đích loại bỏ dòng máu trào ngược trong tĩnh mạch hiển, ở những bệnh nhân bị dãn tĩnh mạch chân từ độ 2 trở lên theo phân độ quốc tế CEAP. Những bệnh nhân suy tĩnh mạch đã điều trị nội khoa tích cực bằng thuốc và mang vớ áp lực trên 1 tháng nhưng chưa thuyên giảm nhiều, siêu âm có phát hiện dòng trào ngược, thì cũng có thể cân nhắc điều trị bằng RFA.

 

Ưu điểm của RFA so với các phương pháp trước đây (như phẫu thuật lột bỏ tĩnh mạch hiển, chích xơ, đốt laser…): hiệu quả cao, nhẹ nhàng và ít đau, có thể xuất viện trong ngày, an toàn, thẩm mỹ và hồi phục nhanh. Bệnh nhân có thể đi lại nhẹ nhàng, trở lại các sinh hoạt bình thường hàng ngày trong 12 tiếng sau thủ thuật. Việc tập luyện và chơi thể thao sẽ trở lại bình thường khoảng 1 tuần sau đó.

 

Nguồn: Bản tin Bệnh Viện Đại Học Y Dược số 16, phát hành tháng 07/2010